Bên cạnh uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tương tự như người Việt, người Nhật cũng rất ưa chuộng các phương pháp tự nhiên trong phòng ngừa và chữa trị bệnh cảm lạnh.
Cảm lạnh là bệnh xảy ra do nhiễm virus, chủ yếu là rhnovirus ở mũi và họng, tuy không quá nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho người mắc phải. Nhiều người cho rằng cảm lạnh thường chỉ diễn ra vào mùa đông khi thời tiết lạnh và không khí hanh khô.
Tuy nhiên, với thời tiết oi bức và những cơn mưa rả rích vào mùa hè, cùng với nhiều nguyên nhân khác như ngâm mình trong nước quá lâu, uống nước đá và đồ lạnh, sử dụng máy lạnh ở nhiệt độ thấp. cũng khiến cho khả năng bị nhiễm cảm lạnh cao hơn.
Dưới đây là 5 phương pháp chữa bệnh cảm lạnh tự nhiên giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, được các Obachan (phụ nữ lớn tuổi) ở Nhật tin dùng và truyền lại cho con cháu. Bạn cũng có thể áp dụng kết hợp với thuốc Tây y để tăng cường hiệu quả chữa bệnh.
1. Umeboshi (mơ muối)
Với vị mặn và chua gắt đặc trưng, Umeboshi (梅干し) là thực phẩm được người Nhật yêu mến suốt ngàn năm qua bởi nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, từ kiềm hóa cơ thể, giảm mệt mỏi, giải rượu đến hỗ trợ tiêu hóa. Chúng thường được ăn riêng hoặc ăn cùng với cơm nhằm tăng thêm sự ngon miệng, thậm chí còn được cho vào trà hay nước nóng để uống.
Khi cảm lạnh, cơ thể mệt mỏi với các triệu chứng như nghẹt mũi, hắt hơi, viêm họng, ho, đau đầu nhẹ, sốt nhẹ., cho một hoặc hai quả mơ muối vào nước nóng, khuấy cho đến khi mơ tan thành từng miếng nhỏ rồi uống sẽ giúp cơ thể phục hồi trở lại.
Loại trà này có thể giúp bạn không còn cảm thấy buồn nôn và loại bỏ các thành phần gây hại ra khỏi cơ thể. Đồng thời, trà Umeboshi cũng khiến cơ thể toát mồ hôi, từ đó kích thích hệ miễn dịch, đẩy nhanh quá trình khỏi bệnh.
2. Hachimitsu Daikon (Củ cải trắng ngâm mật ong)
Hachimitsu Daikon (ハチミツ大根) là phương thuốc chữa bệnh quen thuộc được người lớn tuổi ở Nhật tin dùng để chữa cảm lạnh, ho hay thậm chí là viêm họng. Daikon (củ cải trắng) chứa nhiều vitamin C và giàu các loại enzyme đặc biệt giúp tiêu đàm, tống đàm ra khỏi cơ thể.
Còn mật ong mang đặc tính kháng sinh tự nhiên, chống viêm, nên có tác dụng làm dịu bệnh viêm họng hiệu quả. Như vậy, về cơ bản, Hachimitsu Daikon là một dạng siro trị ho và viêm họng.
Để pha chế loại siro này, bạn chỉ cần cắt nhỏ củ cải trắng, lượng bằng khoảng một nắm tay, cho nó vào một chai thủy tinh sau đó rưới mật ong lên, đậy nắp và để hỗn hợp ngấm trong khoảng từ 3-4 tiếng ở nhiệt độ phòng.
Với siro này, người bị cảm lạnh có thể uống từ 2-3 lần/ngày, mỗi lần 1 muỗng canh lớn. Bạn có thể uống trực tiếp hoặc pha với nước nóng. Phần siro còn lại có thể bảo quản trong tủ lạnh để dùng dần trong khoảng một tuần.
3. Shoga Yu (Trà gừng nóng)
Shoga Yu (しょうが湯) hay trà gừng là một trong những phương thuốc chữa bệnh cảm lạnh phổ biến và thường được nhiều gia đình Nhật áp dụng, cũng tương tự như ở Việt Nam. Trà gừng nóng chứa hàm lượng cao vitamin C, axit amin, cùng nhiều nguyên tố vi lượng như canxi, natri, kẽm, phốt pho. Gừng cũng có tác dụng làm ấm nên đây là nguyên liệu lý tưởng trong việc phòng tránh hay chữa cảm lạnh.
Cách làm trà gừng nóng khá đơn giản, chỉ cần xắt củ gừng đã gọt vỏ thành từng lát mỏng rồi bỏ lên nồi đun, đậy nắp và chờ trong khoảng từ 20-30 phút cho đến khi nước chuyển thành màu vàng nhạt.
Khi dùng trà, bạn có thể thêm một thìa mật ong vào để tăng tác dụng chữa cảm lạnh. Lưu ý nên tránh đun trà gừng với mật ong vì có thể làm thay đổi thành phần trong mật ong và mất hoạt tính chữa bệnh. Với loại trà gừng này, bạn có thể uống từ 3-5 lần/ngày.
4. Okayu (Cháo gạo)
Okayu (お粥) là loại cháo được nấu từ nước dùng thịt cho đến khi hạt gạo nhuyễn đặc rồi nêm nếm các loại gia vị như hành lá cắt nhỏ, gừng thái sợi, nấm Shitake, Umeboshi. Thông thường, cháo gạo này được nấu trong nồi đất, có thể thêm một miếng kombu (tảo bẹ khô) nhỏ nhằm tăng thêm hương vị cho cháo.
Tương tự cháo hành giải cảm, Okayu là món thường được nấu cho người đang bị bệnh cảm lạnh hoặc cảm cúm trong các gia đình Nhật Bản, bởi nó dễ ăn, dễ tiêu hóa trong khi vẫn chứa nhiều dưỡng chất quan trọng cho cơ thể. Trong một số nồi cơm điện tại Nhật, nút nấu “お粥 – おかゆ – Okayu” được thiết lập sẵn, giúp việc nấu cháo trở nên dễ dàng hơn.
5. Tamago-zake (Trứng và rượu Sake nóng)
Tamago-zake (卵酒) là một loại rượu được chế biến từ hỗn hợp mật ong và trứng sống khuấy đều với rượu sake ấm. Mặc dù nghe có vẻ khó uống nhưng đây là một phương thức lâu đời tại Nhật để chữa cảm lạnh và cảm cúm.
Loại rượu đặc biệt này được cho là mang lại giấc ngủ sâu cũng như tăng cường hệ miễn dịch. Thời điểm tốt nhất để dùng là trước khi đi ngủ và uống theo một lượng nhất định, có chừng mực.
Để chế biến Tamago-zake, đun 180ml rượu Sake với lửa nhỏ rồi nhấc xuống bếp, sau đó đánh một quả trứng vào và cho thêm hai thìa cà phê mật ong. Tiếp đó, từ từ khuấy hỗn hợp trứng – mật ong với rượu Sake liên tục cho đến khi chúng đặc lại và sánh như kem.
Tamago-zake tốt nhất là nên uống khi còn nóng. Với trẻ em hoặc những ai không uống được rượu Sake, nên đun sôi rượu lâu hơn để làm cho rượu bay hơi nhiều, sau đó
Nguồn: kilala.vn