Không chỉ là loài vật nuôi được yêu thích từ xa xưa, hình ảnh về những chú cá vàng còn gắn bó và ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa xứ Phù Tang.
Người Nhật yêu cá vàng vì chúng có ngoại hình nhỏ nhắn, xinh xắn, mang nhiều sắc màu đẹp mắt mà lại dễ nuôi. Tình yêu dành cho loài vật này thể hiện qua thú chơi cá vàng đã có từ xa xưa, hình thành nên một nét văn hóa thú vị mang những nét đặc sắc riêng.
Vợt cá vàng - trò chơi dân gian quen thuộc tại Nhật. Ảnh: Bokksu
Cá vàng được yêu thích từ thuở xưa
Cá vàng (金魚 - kingyo) đã trở nên phổ biến trong xã hội Nhật kể từ 500 năm trước. Loài vật này du nhập vào đất nước mặt trời mọc từ Trung Quốc với nhiều giống cá thông qua lai tạo có chọn lọc.
Từ đầu thế kỷ 16, tại Nhật đã xuất hiện những con cá vàng ở vùng Kansai và Kyushu. Lúc này chúng là vật nuôi xa xỉ, có giá thành đắt đỏ nên chỉ được nuôi bởi những thương gia giàu có và các lãnh chúa phong kiến. Theo quan niệm dân gian, màu đỏ của cá vàng được cho là có tác dụng xua đuổi tà khí, còn màu vàng lại biểu hiện cho sự giàu sang phú quý, vương giả. Vì vậy, người dân xem cá vàng là con vật may mắn.
Thế kỷ 18 là thời kỳ “bùng nổ” trào lưu nuôi cá vàng tại Nhật, người dân săn tìm loài cá này để nuôi làm cảnh. Phong trào này phổ biến trong công chúng đến mức còn cho ra đời cuốn "Kingyo Sodate Gusa" (Cách nuôi cá vàng) - sách chỉ dẫn về cách nuôi cá vàng đầu tiên tại xứ hoa anh đào.
Sự phổ biến, tầm ảnh hưởng của cá vàng trong đời sống nhân dân lúc bấy giờ thể hiện rõ qua Ukiyo-e (tranh khắc gỗ). Tranh khắc họa hình ảnh những người bán rong mang theo chiếc thùng gỗ đựng đầy nước chứa những chú cá vàng đang bơi, hay giới quý tộc với thú vui ngắm cá trong ao, chậu cảnh.
Ở thời Edo, bậc thầy vĩ đại cuối cùng của tranh Ukiyo-e là Utagawa Kuniyoshi (1798 - 1861) thường vẽ nhiều tác phẩm mô tả việc cá vàng được nhân cách hóa như thể chúng là con người, tham gia vào cuộc sống sinh hoạt hằng ngày nơi dương gian.
Tạo ra những loài cá riêng
Ở Nhật ngày nay có nhiều giống cá vàng được tạo ra thông qua lai tạo và đột biến. Sự nhân giống chọn lọc đã được thực hiện phổ biến vào thời Minh Trị (1868 - 1912), cho ra đời nhiều loại cá mang hình dạng, màu sắc đẹp đẽ và nổi danh khắp thế giới.
Vốn ban đầu, nhiều giống cá vàng được du nhập từ xứ Trung vào nước Nhật, sau đó những loài này đã được lai tạo, đột biến về hình dạng, hình thành nên những đặc tính riêng.
Nổi tiếng trong số đó là cá vàng Ranchu (lan thọ), hay còn được mệnh danh là "vua cá vàng" - đỉnh cao của nghệ thuật nuôi dưỡng cá vàng ở Nhật Bản. Loài này được lai tạo từ cá vàng đầu sư tử của Trung Quốc vào khoảng thế kỷ 17 đến 18, với vẻ ngoài có phần lưng tròn hơn, đầu và đuôi giảm bớt kích thước, mang nhiều màu sắc rực rỡ như đỏ trắng, trắng, cam trắng, đỏ đậm, vảy đỏ viền trắng, đốm đen vàng trắng...
Shubunkin là một giống cá vàng với vảy ánh xà cừ, được lai tạo bởi Yoshigoro Akiyama từ cá vàng mắt lồi Calico với cá vàng thông thường. Chúng có cơ thể và các vây thon dài hơn bình thường, mang nhiều màu sắc nổi bật như đỏ, trắng, đen, nâu, vàng. Thân cá thường có màu trắng, đen hoặc nâu cùng những vệt màu đỏ khắp cơ thể.
Năm 1951, giống Edo-nishiki được tạo ra từ hai giống Ranchu và Azuma-nishiki. Giống này có các hoa văn màu xanh nhạt, đỏ, trắng, đen và các màu sáng khác có thể nhìn thấy qua lớp vảy trong mờ. Giống như Ranchu, giống này không có vây lưng, chúng có vây đuôi ngắn xòe ra hai bên.
Nét văn hóa cá vàng đặc sắc
Bạn có thể thấy cá vàng được yêu thích như thế nào ở Nhật Bản khi nhìn vào đồ trang trí, những món đồ chơi, vật phẩm mô phỏng hình dáng loài vật này. Loài Ryukin có vây đuôi dài và thân hình tròn mang màu đỏ thường được sử dụng làm hình mẫu để mô tả trong các thiết kế và hình minh họa có cá vàng.
Cá vàng còn được coi là một biểu tượng của mùa hè, hình ảnh của chúng xuất hiện phổ biến trong tiết trời vào hạ. Cá vàng bơi trong nước gợi lên sự mát mẻ, sức sống tràn đầy nên người Nhật thường tìm đến những bể cá, chậu cá để ngắm và tham gia các trò chơi thú vị trong mùa lễ hội.
Tại các lễ hội mùa hè ở Nhật có trò chơi truyền thống là vớt cá vàng bằng vợt giấy (金魚すくい - kingyo sukui). Trò chơi này có nguồn gốc từ thời Edo và chỉ dành cho trẻ em, đến thế kỷ 20 thì phổ biến hơn trong các lễ hội. Thậm chí còn có cuộc thi vớt cá vàng cấp quốc gia tổ chức từ năm 1995 và thu hút rất đông người tham gia.
Vào mùa hè, nhiều thành phố còn tổ chức lễ hội với chủ đề đèn lồng cá vàng. Những chiếc đèn lồng này cũng là một loại hình thủ công mỹ nghệ dân gian của thành phố Yanai, tỉnh Yamaguchi.
Không chỉ vậy, các vật dụng quen thuộc mang hình dáng loài cá vàng xuất hiện khắp mọi nơi trong cuộc sống thường ngày của người Nhật. Như món đồ chơi cá vàng mạ thiếc thường đặt trong bể bơi hay bồn tắm trẻ em.
Hay một hình ảnh quen thuộc in trên những chiếc chuông gió là cá vàng đang bơi, loại này được ưa chuộng treo trước cửa nhà hay cửa sổ vì được xem như một tấm bùa hộ mệnh mang đến tài lộc, may mắn, hạnh phúc cho gia chủ và làm tăng cảm giác bình yên, trong lành cho không gian sống.
Ảnh: The Gate
Nguồn: Trends in Japan